CÁC CHUYÊN ĐỀ ATGT
Văn hóa giao thông - Trách nhiệm của người tham gia giao thông
Có bao giờ bạn đặt câu hỏi, mỗi sáng có bao nhiêu người rời khỏi nhà và không trở về? Hay hôm nay có phải là ngày cuối cùng ta gặp người thân? Những câu trả lời vẫn còn để ngỏ. Trên thực tế con số thống kê tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam cho thấy mỗi ngày có trên 20 người mãi không thể trở về nhà, mỗi năm có hàng nghìn người phải khép lại những dự định chưa kịp thực hiện do tai nạn giao thông.
Nỗi đau mang tên tai nạn giao thông
Hơn một năm nay, người mẹ già Nguyễn Thị Hiến - xóm Gò Miều, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ liên tiếp phải chịu những nỗi đau xé lòng do tai nạn giao thông xảy đến với gia đình bà. Một năm trước bà bàng hoàng khi nghe tin con trai gặp nạn và qua đời do tai nạn giao thông. Nỗi đau này chưa kịp nguôi ngoai thì nỗi đau khác lại ập đến khi con dâu bà lại là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khác. 26 ngày ròng rã con dâu bà nằm trong phòng cấp cứu, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh là quãng thời gian khủng khiếp và dài đằng đẵng không thể nào quên trong tâm trí bà. Tuy không bị mất mạng, nhưng từ một người khỏe mạnh, tháo vát giờ con dâu bà lại là ghánh nặng của cả gia đình. Vụ tai nạn giao thông làm cho chị bị thương nặng ở đầu, để lại di chứng nặng nề khiến chị không thể đi lại hay nói năng. Ngay cả người thân chị cũng không nhận ra. Quá khứ, hiện tại lẫn lộn, mơ hồ. Toàn bộ sinh hoạt, ăn uống, chăm sóc phải phụ thuộc vào người khác. Nói trong nước mắt bà Nguyễn Thị Hiến nghẹn nghào “Bố nó thì mất rồi, tôi thì già, cháu tôi biết trông cậy vào đâu, mẹ nó lại tai nạn như này giờ người không ra hồn người, đau đớn lắm….”
Gia đình bà Nguyễn Thị Hiến chỉ là một trong hàng nghìn gia đình đang phải “vật lộn” với nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra. Mỗi ngày trôi qua, lại có thêm những gia đình mất đi người thân, có những người phải mang thương tật suốt đời hay sống đời thực vật chỉ vì tai nạn giao thông. Những tiếng trẻ khóc nhớ cha, vợ khóc thương chồng, người đầu bạc tiễn người đầu xanh làm chúng ta nhói lòng. Cứ thế, nỗi đau mang tên tai nạn giao thông cứ âm ỉ, kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người tham gia giao thông.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng Văn hoá giao thông cho người dân
Câu chuyện tai nạn giao thông không ở đâu xa, nó xảy ra hàng ngày, ngay bên cạnh và trước mắt chúng ta. Mỗi vụ tai nạn giao thông xảy ra, để lại sau đó là những giọt nước mắt, nỗi đau xé lòng, những mất mát không gì có thể bù đắp được. Song điều đáng nói ở đây là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông lại nằm ở ý thức của những người hàng ngày tham gia giao thông. Thượng úy Đào Huy Hoàng - Phó đội trưởng Đội CSGT, trật tự Công an huyện Đại Từ chia sẻ “Đa số người dân khi tham gia giao thông điều khiển phương tiện theo thói quen và kinh nghiệm, chưa thực hiện đúng các quy tắc khi tham gia giao thông đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Một số nguyên nhân chính xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn huyện là chuyển hướng không có tín hiệu báo chuyển hướng rẽ, chuyển hướng không nhường đường cho các phương tiện đi từ bất kỳ hướng nào tới…”
Phần đông trong chúng ta hay đổ thừa, trốn tránh trách nhiệm với những thói quen, hành vi tham gia giao thông chưa chuẩn mực cho điều kiện khách quan. Mỗi khi ra đường, người ta vì một lý do này khác tự ý vượt đèn đỏ, đi lấn chiếm làn đường, vỉa hè dành cho người đi bộ, hay sai quy tắc giao thông cũng là những nguyên nhân gây ra tai nạn cho mình hoặc cho người cùng tham gia giao thông. Cũng có khi tai nạn giao thông xuất phát từ sự nuông chiều của gia đình khi cho con, em không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, thanh niên tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm rồi tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông...
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thông - Xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ cho biết “Các cháu còn trẻ nhiều khi muốn thể hiện cá tính nên còn những vi phạm không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, nẹt pô… gây mất trật tự ATGT, thậm chí có thể gây ra tai nạn mất an toàn cho người dân”.
Trong nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông thì việc xây dựng văn hóa giao thông là điều tất yếu, điều đó bắt đầu từ mỗi chúng ta. Văn hóa giao thông không chỉ là phát ngôn, hành vi trên đường, trên phương tiện mà là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Đại Từ đang trên hành trình xây dựng một đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp thì đó còn phải là một đô thị khi mỗi người tham gia giao thông cần có văn hóa giao thông. Một xã hội phát triển bên cạnh sự tăng trưởng về kinh tế là sự nâng cao về chất lượng sống, phẩm giá, hạnh phúc, văn hóa và tuân thủ pháp luật. Ông Nguyễn Ngọc Thông – Xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ chia sẻ: “Quan trọng nhất là tự giác, là ý thức chấp hành của người dân và giám sát phối hợp của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đơn vị làm sao để nâng cao nhận thức, góp phần làm cho cuộc sống an toàn hơn, văn minh hơn”.
Chính người tham gia giao thông sẽ tác động và làm thay đổi theo chiều hướng tích cực, văn minh của môi trường giao thông. Nếu hành vi tham gia giao thông chuẩn mực, sẽ làm lan tỏa giá trị văn hóa giao thông trong cộng đồng, xã hội và loại trừ dần thói quen, tập quán không chuẩn mực. Ngược lại, khi thái độ, hành vi tham gia giao thông bất chấp các quy chuẩn văn hóa và pháp luật sẽ làm môi trường giao thông xấu đi. Văn hóa giao thông nâng lên thì những hành vi sai trái sẽ trở thành lố bịch, bị cộng đồng lên án, tẩy chay! Để xây dựng lên văn hóa giao thông - một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, trước hết phải bắt đầu từ mỗi các tế bào nhỏ của xã hội!
Xây dựng môi trường giao thông an toàn và văn minh
Một tiết học an toàn giao thông tại trường mầm non quốc tế Ánh Dương được bắt đầu bằng những bài hát vui nhộn. Thông qua các trò chơi lồng ghép liên quan tới chủ đề an toàn giao thông, những cách truyền tải thông điệp dễ hiểu, gần gũi khiến các em học sinh hứng khởi. Được trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị, những kiến thức an toàn giao thông hôm nay được học ở trường sẽ là nền tảng xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật cho các em. Giúp các em hiểu và dần hình thành văn hóa giao thông trong mỗi học sinh.
Để có được tiết học an toàn giao thông phong phú, sinh động, các cô đã xây dựng một tiết học chi tiết tỷ mỉ, trực quan, sinh động để cho các con dễ học, dễ hiểu. Cô Trương Thị Kiều Anh - Giáo viên trường MN quốc tế Ánh Dương, TT Hùng Sơn, huyện Đại Từ tâm sự “Để giúp các con sớm hình thành ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông từ nhỏ, nhà trường đã đưa các hoạt động dạy và học về an toàn giao thông cho các con. Thông qua các bài hát, câu chuyện, trò chơi phù hợp với lứa tuổi giúp các con dễ hiểu, dễ nhận thức từ đó hình thành ý thức của các con khi tham gia giao thông”.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, lan tỏa những nét văn hóa đẹp, từng bước xây dựng văn hóa giao thông, cùng với việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể trong những năm gần đây trên cả 3 tiêu chí. Thượng úy Đào Huy Hoàng - Phó đội trưởng Đội CSGT, trật tự huyện Đại Từ cho biết thêm “Qua thống kê, người vi phạm giao thông đang có xu hướng trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào các thanh, thiếu niên. Do đó, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các ban, ngành tập trung tuyên truyền đối tượng thanh, thiếu niên tại các trường học. Phối hợp với đoàn thanh niên của Công an, thị trấn Hùng Sơn, Huyện đoàn tổ chức tuần tra kiểm soát ban đêm”.
Lực lượng CSGT và đoàn viên thanh niên huyện Đại Từ ra quân tuyên truyền Tháng ATGT 2022
Tai nạn giao thông - không trừ một ai, tai nạn giao thông có thể ập tới gia đình bạn bất cứ lúc nào nếu như vẫn có những thói quen tuỳ tiện, bất cẩn, vi phạm khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng! Chính vì vậy, các cấp, các ngành, các nhà trường cần thường xuyên, liên tục thực hiện công tác tuyên truyền, mỗi người tham gia giao thông cũng cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia giao thông an toàn, và điều quan trọng hơn đó là ý thức tự giác tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn khi tham gia giao thông.
Thu Phương - TTVH Đại TừCác tin khác
- Quy trình "Phạt nguội" vi phạm giao thông (08/03/2023)
- Đảm bảo hành lang an toàn giao thông (20/03/2023)
- Thủ tướng chỉ thị tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới (22/04/2023)
- Đừng để xảy ra tai nạn do thiếu hiểu biết (26/05/2023)
- Hạn chế vi phạm nồng độ cồn ở Đồng Hỷ: Kết hợp tuyên truyền, xử phạt nghiêm (26/05/2023)
- Siết chặt công tác đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe (25/06/2022)
- Thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (10/06/2022)
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông (14/04/2022)
- Tuyên truyền giáo dục TTATGT cho học sinh, cần kết hợp giữa nhà trường và gia đình (07/04/2022)
- Nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho thanh niên (14/03/2022)