CÁC CHUYÊN ĐỀ ATGT

Văn hóa giao thông – Góc nhìn người trong cuộc

Hơn 10 năm qua hạ tầng giao thông ở Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng đã có những thay đổi lớn về hạ tầng giao thông, đặc biệt tai nạn giao thông giảm sâu ở cả 3 tiêu chí. Nhưng văn hóa giao thông vẫn được đánh giá ở giai đoạn mới hình thành ban đầu, chưa trở thành nề nếp trong đa số người dân. Và xây dựng văn hóa giao thông như thế nào sẽ là nội dung được chúng tôi đề cập đến trong cuộc trò chuyện cuối tuần với ông Nguyễn Quang VinhPhó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải – Phó trưởng ban ATGT tỉnh Thái Nguyên.

PV: Đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lấn làn, đè vạch... là những vi phạm rất cơ bản mà người dân bình thường nào cũng nắm được, nhưng vì sao vẫn có nhiều người vi phạm, thưa ông?

Trả lời:

Những năm gần đây cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT và xây dựng Văn hoá cho người dân là một trong những giải pháp rất được quan tâm. Thực tế, về cơ bản phần lớn người dân đã có nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông khá tốt. Điều đó đã góp phần vào việc kiềm chế và giảm tai nạn giao thông liên tục trong thời gian qua và tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh được giữ ổn định, không có những vấn đề phức tạp về giao thông. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số người tham gia giao thông vẫn còn những vi phạm các quy tắc trong quá trình tham gia giao thông như: phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều đường hay vượt đèn đỏ, lấn làn, đè vạch, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…

Mỗi người vi phạm qua phân tích không phải họ không hiểu những quy tắc hay quy định đã được đặt ra, tuy nhiên do thói quen tuỳ tiện, ý thức tự giác chấp hành pháp luật chưa tốt do vậy họ vẫn vi phạm những quy tắc, quy định khi tham gia giao thông. Khi có mặt của lực lượng chức năng thì họ chấp hành tốt, khi không có lực lượng chức năng giám sát thì họ sẵn sàng vi phạm. Điều này vừa làm mất đi những hình ảnh đẹp về ý thức văn hoá chấp hành pháp luật về TTATGT, đồng thời cũng dẫn đến những nguy cơ mất an toàn giao thông cho chính những người vi phạm và cả những người tham gia giao thông khác.

PV: Luật Giao thông đường bộ đã được sửa đổi và ban hành từ năm 2008, đến nay đã là 15 năm. Rõ ràng ý thức của người dân đã tăng lên, nhiều người biết vi phạm luật giao thông là sai. Nhưng từ biết đến tuân thủ và thực hiện thì còn một khoảng cách không nhỏ, ông nhận định như nào về vấn đề này? Thực tế tại Thái Nguyên ra sao, thưa ông?

Trả lời:

Việc một số người dân chưa chấp hành tốt xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất: Ý thức về Văn hoá giao thông chưa trở thành cái phổ quát được tất cả mọi người nhận thức đúng và thực hiện. Những hành vi xấu, những hành vi vi phạm, những hình ảnh chưa đẹp trong giao thông chưa bị cộng đồng lên án mạnh mẽ hoặc nhìn thấy những vi phạm như là những chuyện bình thường diễn ra hàng ngày.

 Thứ hai: Cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông thiếu đồng bộ, lượng phương tiện tăng, vấn đề đô thị hoá và dân số đô thị tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông phát triển chưa theo kịp. Số lượng xe máy, xe đạp, xe ôtô và các phương tiện cá nhân tăng nhanh, trong khi đó quỹ đất dành cho phát triển giao thông còn nhiều hạn chế; vấn đề quy hoạch còn có những bất cập dẫn đến nhiều vấn đề như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường khu vực đô thị.

Thực tế ở Thái Nguyên những năm gần đây tỉnh đã rất quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông từ hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh, đường địa phương và mạng lưới đường giao thông nông thôn rộng khắp. Vận tải cũng được quan tâm đầu tư, đến nay mạng lưới xe buýt đến tất cả trung tâm các huyện, xe taxi và các loại hình vận tải hành khách khác, vận tải hàng hoá đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên những năm gần đây cũng đã xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại một số vị trí nút giao trong đô thị, khu công nghiệp. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đã được thực hiện thường xuyên, liên tục và đồng bộ với sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ tỉnh đến các địa phương. Đại bộ phận người dân đã có ý thức tự giác chấp hành tốt những quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, song cũng còn nhiều người, trong đó chủ yếu là thanh thiều niên vẫn còn vi phạm TTATGT. Lực lượng chức năng cũng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, kết hợp giữa tuyên truyền và xử lý để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật.

Những thay đổi trong văn hóa giao thông trong đời sống hiện nay là cả một quá trình cần phải được thực hiện bền bỉ, thường xuyên, liên tục và cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Văn hóa giao thông cần được đẩy mạnh không chỉ trong giáo dục nhà trường mà còn phải được đưa vào nội quy của các cơ quan, đơn vị và tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng xã hội.


Giáo dục ATGT và Văn hoá giao thông cho học sinh mầm non tại trường MN Hoá Thượng (Đồng Hỷ)

PV: Thưa ông, Năm An toàn giao thông năm 2023 lại mang chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Vậy thượng tôn pháp luật được coi là cốt lõi để xây dựng văn hóa giao thông an toàn hay không? Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Trả lời:

Luật Giao thông là điều mà bất cứ ai cũng phải tuân thủ. Bên cạnh luật pháp, người tham gia giao thông còn phải quan tâm tới giá trị đạo đức, ứng xử hài hòa, văn minh... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định số 3500/QĐ-BVHTTDL năm 2013 về tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ. Trong đó, các tiêu chí chung bao gồm: Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh; Tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; Đi đúng làn đường, phần đường quy định; Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; Tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; Tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn; Có ý thức văn hóa xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn...

Mỗi người tham gia giao thông hãy tôn trọng pháp luật, tự giác chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông sẽ là cốt lõi để xây dựng thành công văn hoá giao thông. Mỗi công dân cần góp phần xây dựng văn hóa giao thông, phát huy lối sống "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; luôn cố gắng tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, có ý thức và trách nhiệm đúng khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn vì sự an toàn của những người khác. Hành vi tham gia giao thông chuẩn mực sẽ giúp lan tỏa nhiều hơn các giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng, ngược lại, sẽ làm môi trường giao thông lệch chuẩn.


Trao tặng thiết bị y tế cho điểm sơ cấp cứu TNGT tại phường Tân Long - TPTN

PV: Văn hóa từ lâu đã trở thành một bộ phận quan trọng của giao thông và nhu cầu xây dựng văn hóa giao thông được hình thành trong xã hội hiện đại. Vậy làm thế nào để từng bước xây dựng văn hóa giao thông cho người dân? Thực hiện Năm ATGT 2023, Ban ATGT tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để triển khai thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Để xây dựng một xã hội giao thông an toàn, thân thiện cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho người dân, cao hơn đó là xây dựng Văn hoá tham gia giao thông cho người dân. Văn hóa giao thông thể hiện ở tính cộng đồng khi tham gia giao thông, mỗi người dân không chỉ hiểu biết, tự giác chấp hành pháp luật và còn có ý thức nhường nhịn, hỗ trợ giúp đỡ mọi người, ứng xử văn minh, lịch sự trong quá trình cùng tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường, người tham gia giao thông không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho người khác; thấy người bị nạn thì cần giúp đỡ họ kịp thời; thấy sự cố về đường, phương tiện thì phải báo hiệu, thông báo cho ban, ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý; chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường; phối hợp cùng cảnh sát giao thông phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác...

Ngoài ra, chúng ta cần phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT và phải triển khai thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp. Ví dụ để người dân chấp hành tốt quy định, quy tắc khi tham gia giao thông thì chúng ta phải có một cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, đầy đủ thiết chế về ATGT như hệ thống biển báo, sơn vạch kẻ đường, hệ thống đèn tín hiệu, hệ thống giám sát về giao thông; hệ thống chính sách về ATGT cũng cần kịp thời sửa đổi cho phù hợp với thực tế phát triển của xã hội; pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh…

Một giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý về giao thông vận tải và TTATGT, trong đó có việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh và đô thị thông minh; đầu tư phát triển hệ thống giám sát giao thông; kết hợp giữa các hình thức xử lý vi phạm từ truyền thống đến xử phạt bằng hình ảnh qua hệ thống camera giám sát giao thông; kết hợp giữa xử phạt nghiêm với công tác tuyên truyền để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, tạo thói quen tự giác cho người dân.

Đối với kế hoạch công tác Năm ATGT 2023. Bám sát với Kế hoạch Năm ATGT của Uỷ ban ATGT Quốc gia với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng Văn hoá giao thông an toàn”; Đề án “Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi TNGT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025” của tỉnh và thực tế công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu ban hành Kế hoạch Năm ATGT 2023 để triển khai đến các ngành, các địa phương triển khai thực hiện.

Trong Kế hoạch đã nêu rõ 8 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm TTATGT của năm, đồng thời có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng địa phương. Đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về kết quả thực hiện công tác bảo đảm TTATGT.

Ngay từ đầu năm, cùng với việc ban hành Kế hoạch, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp tổ chức ra quân triển khai Năm ATGT và bảo đảm TTATGT dịp tết, lễ hội xuân nhằm tạo khí thế ra quân ngay từ đầu năm, tiếp tục mục tiêu phấn đấu giảm TNGT từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Quang Huấn

Các tin khác